Theo một khảo sát của KPMG với 200 lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy 80% tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi đáng kể lĩnh vực hoạt động của họ. Tuy nhiên, việc áp dụng A.I. có thể chưa được các CFO, các giám đốc tài chính hoàn toàn đón nhận. Suy cho cùng, thay đổi luôn đi đôi với rủi ro, và công việc của họ là giảm thiểu rủi ro đến với doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, quản trị tài chính lại chính là đất diễn màu mỡ cho A.I. thể hiện vai trò thúc đẩy tăng trưởng trong doanh nghiệp. Các CFO nắm bắt dữ liệu hoạt động của tất cả các phòng ban khác và có thể hỗ trợ lãnh đạo các phòng ban này đưa ra các quyết định vận hành minh triết hơn.
Hỗ trợ quyết định chiến lược
Dữ liệu đến từ các bộ phận làm việc trực tiếp với khách hàng – ví dụ như thông tin khoản phải thu từ phòng bán hàng, hay dữ liệu giá từ các điểm bán – thông qua phân tích có thể đưa ra dự đoán mối tương quan giữa các con số này và hành vi khách hàng. Việc nắm bắt dữ liệu từ nhiều điểm chạm với khách hàng giúp người quản trị tài chính đưa ra đề xuất giá tối ưu phù hợp với các thị trường và nhóm đối tượng khác nhau. Ngoài ra, A.I. khi xử lý dữ liệu vận hành cũng giúp các CFO tối ưu tồn kho, quản lý khấu hao, và quản lý vốn hiệu quả.
Một trong những thách thức lớn nhất trong quản trị tài chính là định giá tài sản. Dung sai trong tính toán, đặc biệt trong các trường hợp cụ thể như nhập lượng tài sản hữu hình lớn, hay chuẩn bị báo cáo thuế, có thể tạo chênh lệch lớn tới con số cuối cùng. Một trong những phương pháp định giá hiệu quả là tham chiếu một lượng lớn các giao dịch độc lập có điểm tương đồng. Đây là nghiệp vụ mất nhiều công sức, nhưng là phạm trù A.I. có thể hỗ trợ.
Nâng cao hiệu suất quản trị tài chính
Một trong những đặc thù của bộ phận tài chính là việc xử lý rất nhiều các nghiệp vụ lặp đi lặp lại. Chúng tiêu tốn nhiều thời gian và nguồn lực của CFO và các cộng sự. Trợ lý A.I. có thể thay nhân sự thực hiện tất cả các nghiệp vụ đó với độ chính xác cao và thời gian rút gọn đáng kể, giúp người quản trị tài chính có thêm thời gian để tham gia vào các công việc chiến lược khác quan trọng hơn.
AI có thể tự động hóa các hoạt động kế toán như điều chỉnh các bút toán, tinh giản giao tiếp với đối tác, biên soạn hợp đồng, tối ưu hóa quy trình thanh toán. Đặc biệt ở các công ty thương mại điện tử, với nhiều giao dịch phát sinh cùng lúc, việc tự động hóa sẽ giúp cho quá trình quản trị trơn tru và ít rủi ro.
Chống tiêu cực, sai phạm
Theo EY, sai phạm chi tiêu có thể gây thiệt hại 1.8 tỷ USD mỗi năm. Hầu như rất khó để luôn phát hiện sớm và kiểm soát các sai phạm. Việc phải xử lý chúng khiến cho nỗ lực của các CFO bị phân tán, nhưng nếu không kịp thời có thể để lại hậu quả lâu dài cho doanh nghiệp. A.I. có thể làm thay việc này khi xử lý các dữ liệu hóa đơn chứng từ, phát hiện các khoản bất thường. Ở mức độ cao hơn, A.I. giúp xây dựng mô hình hành vi chi tiêu cho từng vị trí trong doanh nghiệp, giúp lãnh đạo phát hiện các xu hướng bất thường từ trước khi nó xảy ra.
Với khả năng học tập liên tục, các mô hình Generative A.I. luôn tiếp thu các bộ dữ liệu mới và nâng cao năng lực phát hiện tiêu cực, giúp doanh nghiệp tổ chức có sự chuẩn bị khi đối phó với những hình thức sai phạm ngày một tinh vi.
CFO và sức mạnh từ tiên lượng
Trong lịch sử, chức năng tài chính tập trung vào việc ghi lại quá khứ – ghi nhận doanh thu, kiểm toán chi phí hoặc giám sát việc tuân thủ. Trí tuệ nhân tạo có tính biến đổi vì nó đặt CFO vào tương lai với khả năng dự đoán dựa trên dữ liệu. Bộ phận Tài chính được trao quyền để dự đoán xem các đối thủ cạnh tranh sẽ phản ứng như thế nào, khách hàng sẽ phản ứng như thế nào và rủi ro sẽ xuất hiện ở đâu.
Không chỉ đơn thuần là chuyển đổi số, A.I. chuyển đổi mạnh mẽ vài trò của CFO và nghiệp vụ quản trị tài chính – đặt vào trung tâm của doanh nghiệp nhiều hơn. CFO nắm bắt được các cơ hội của trí tuệ nhân tạo và học máy sẽ không chỉ thay đổi doanh nghiệp mà còn cả phạm vi, trách nhiệm và sức mạnh của chính công việc đó.